Đứng trước những lợi thế nhờ các chính sách ưu đãi từ hiệp định EVFTA, bên được hưởng lợi lớn nhất trong tiến trình hợp tác này chắc chắn là thị trường kinh tế Việt Nam mà cụ thể nhất là các doanh nghiệp sản xuất nội địa. Thế nhưng, song hành cùng những ưu điểm thì cũng tồn tại không ít những rủi ro - nhất là trong bối cảnh khi việc viện dẫn các chính sách thuế quan hoặc cạnh tranh không lành mạnh vẫn là bóng ma hiện hữu. Do đó, với những điều khoản quy định chi tiết, cụ thể các trường hợp cho phép các bên “kích hoạt” công cụ tự vệ của mình chính là một giải quyết hợp lý, cụ thể như sau:
MỤC C
ĐIỀU KHOẢN TỰ VỆ SONG PHƯƠNG
ĐIỀU 3.9
Định nghĩa
Trong phạm vi Mục này:
(a) “ngành sản xuất trong nước” sẽ được hiểu phù hợp với điểm 1(c) Điều 4 của Hiệp định Tự vệ, theo đó, điểm 1(c) Điều 4 của Hiệp định Tự vệ được tích hợp và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp;
(b) “thiệt hại nghiêm trọng” và “đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng” sẽ được hiểu phù hợp với điểm 1(a) và 1(b) Điều 4 của Hiệp định Tự vệ; theo đó, điểm 1(a) và 1(b) Điều 4 được tích hợp và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp; và
(c) “giai đoạn chuyển tiếp” nghĩa là giai đoạn 10 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực.
ĐIỀU 3.10
Áp dụng một biện pháp tự vệ song phương
- Nếu, do kết quả của việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định này, bất kỳ một loại hàng hóa nào có xuất xứ từ lãnh thổ của một Bên được nhập khẩu vào lãnh thổ của Bên kia với lượng gia tăng xét về giá trị tuyệt đối hoặc tương đối so với sản xuất trong nước, và trong tình trạng gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với ngành sản xuất trong nước của hàng hóa tương tự hoặc hàng hóa cạnh tranh trực tiếp, Bên nhập khẩu có thể áp dụng các biện pháp được quy định tại khoản 2 phù hợp với các điều kiện và thủ tục nêu ra tại Mục này chỉ trong giai đoạn chuyển tiếp, ngoại trừ được quy định khác theo điểm 6(c) Điều 3.11 (Các điều kiện và hạn chế).
- Bên nhập khẩu có thể áp dụng biện pháp tự vệ song phương bằng cách:
(a) đình chỉ mức cắt giảm hơn nữa thuế quan đối với hàng hóa liên quan theo quy định tại Phụ lục 2-A (Xóa bỏ thuế quan); hoặc
(b) tăng thuế suất hải quan đối với hàng hóa tới mức không vượt quá mức nhỏ hơn của:
(i) mức thuế suất áp dụng MFN với hàng hóa có hiệu lực tại thời điểm biện pháp tự vệ được áp dụng; hoặc
(ii) mức thuế cơ sở được xác định trong các biểu thuế bao gồm trong Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan) căn cứ theo Điều 2.7 (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan).
ĐIỀU 3.11
Các điều kiện và hạn chế
- Một Bên chỉ được áp dụng một biện pháp tự vệ song phương sau khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành điều tra tuân thủ theo các Điều 3 và điểm 2(c) Điều 4 của Hiệp định Tự vệ. Theo đó, Điều 3 và điểm 2(c) Điều 4 của Hiệp định Tự vệ được tích hợp và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp.
- Một Bên phải thông báo bằng văn bản cho Bên kia việc khởi xướng một vụ việc điều tra được mô tả trong khoản 2 và tham vấn với Bên kia sớm nhất có thể trước khi áp dụng một biện pháp tự vệ song phương nhằm rà soát các thông tin phát sinh từ vụ điều tra và trao đổi quan điểm về biện pháp tự vệ.
- Trong cuộc điều tra được mô tả tại khoản 2, Bên đó phải tuân thủ các yêu cầu của điểm 2(a) Điều 4 của Hiệp định Tự vệ. Theo đó, điểm 2(a) Điều 4 của Hiệp định Tự vệ được tích hợp và trở thành một phần của Hiệp định này, với những sửa đổi phù hợp.
- Cuộc điều tra cũng phải chứng minh, dựa trên bằng chứng khách quan, sự tồn tại của mối quan hệ nhân quả giữa sự gia tăng nhập khẩu và thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng từ đó. Cuộc điều tra cũng phải xem xét đến sự tồn tại của tất cả các yếu tố khác ngoài sự gia tăng nhập khẩu mà cũng có thể gây ra thiệt hại tại thời điểm đó.
- Mỗi Bên phải đảm bảo rằng các cơ quan có thẩm quyền hoàn tất cuộc điều tra theo khoản 1 trong vòng một năm kể từ khi khởi xướng điều tra.
- Một Bên không được áp dụng một biện pháp tự vệ song phương:
(a) ngoại trừ với mức độ, và trong khoảng thời gian cần thiết để ngăn ngừa hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và để tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh;
(b) trong khoảng thời gian vượt quá hai năm, trừ trường hợp giai đoạn này có thể được kéo dài tối đa hai năm nếu cơ quan có thẩm quyền của Bên nhập khẩu xác định, phù hợp với thủ tục được nêu tại Điều này, rằng biện pháp tự vệ tiếp tục là cần thiết nhằm ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng và nhằm tạo thuận lợi trong việc điều chỉnh và có bằng chứng rằng ngành sản xuất đang điều chỉnh, với điều kiện tổng thời gian áp dụng một biện pháp tự vệ, bao gồm giai đoạn áp dụng ban đầu và bất kỳ khoảng thời gian gia hạn nào, không được vượt quá 4 năm; hoặc
(c) vượt quá thời hạn của giai đoạn chuyển đổi, trừ trường hợp có được sự đồng thuận của Bên kia.
- Để tạo thuận lợi cho sự điều chỉnh trong trường hợp thời gian dự kiến của một biện pháp tự vệ song phương vượt quá hai năm, Bên áp dụng biện pháp tự vệ phải tiến hành tự do hóa dần dần biện pháp tự vệ đó qua từng giai đoạn đều đặn trong thời gian áp dụng.
- Khi một Bên chấm dứt một biện pháp tự vệ song phương, mức thuế suất sẽ là mức thuế đáng lẽ có hiệu lực nếu không có biện pháp tự vệ, theo Biểu cam kết của Bên đó trong Phụ lục 2-A (Cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan).
ĐIỀU 3.12
Các biện pháp tạm thời
Trong những hoàn cảnh đặc biệt khi sự trì hoãn có thể gây ra tác hại khó có thể khắc phục được, một Bên có thể áp dụng một biện pháp tự vệ song phương trên cơ sở tạm thời căn cứ theo một quyết định sơ bộ rằng có bằng chứng rõ ràng rằng việc nhập khẩu một hàng hóa có xuất xứ từ Bên kia đã tăng do kết quả của việc cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan theo Hiệp định này, và việc nhập khẩu đó gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nghiêm trọng tới ngành sản xuất trong nước. Khoảng thời gian áp dụng bất kỳ biện pháp tự vệ tạm thời nào không được vượt quá 200 ngày, trong thời gian này Bên đó phải tuân thủ các yêu cầu tại các khoản 1 và 3 của Điều 3.11 (Các điều kiện và hạn chế). Bên đó phải nhanh chóng hoàn trả lại bất kỳ mức tăng thuế nếu việc điều tra được mô tả tại khoản 1 của Điều 3.11 (Các điều kiện và hạn chế) không dẫn đến việc kết luận rằng các yêu cầu tại khoản 1 Điều 3.10 (Áp dụng một biện pháp tự vệ song phương) được đáp ứng. Thời hạn của biện pháp tự vệ tạm thời bất kỳ phải được tính là một phần của khoảng thời gian được quy định tại điểm 6(b) Điều 3.11 (Các điều kiện và hạn chế).
ĐIỀU 3.13
Bồi thường
- Một Bên áp dụng một biện pháp tự vệ song phương phải tham vấn với Bên kia nhằm thống nhất mức bồi thường tự do hóa thương mại thỏa đáng dưới hình thức các ưu đãi có tác động thương mại tương ứng một cách đáng kể tới các biện pháp phòng vệ song phương hoặc tương ứng với trị giá các mức thuế bổ sung được dự đoán phát sinh từ biện pháp tự vệ. Bên đó phải dành cơ hội để tham vấn không muộn hơn 30 ngày sau khi áp dụng biện pháp tự vệ song phương.
- Nếu việc tham vấn theo khoản 1 không đạt được thỏa thuận về bồi thường tự do hóa thương mại trong vòng 30 ngày sau khi bắt đầu tham vấn, Bên có hàng hóa bị áp dụng biện pháp tự vệ song phương có thể đình chỉ các ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ từ Bên áp dụng biện pháp tự vệ có tác động thương mại tương đương một cách đáng kể với biện pháp tự vệ. Nghĩa vụ của Bên áp dụng biện pháp tự vệ song phương trong việc đưa ra khoản bồi thường và quyền của Bên kia trong việc trì hoãn các ưu đãi theo khoản này phải được chấm dứt vào ngày kết thúc biện pháp tự vệ song phương đó.
- Quyền đình chỉ được dẫn chiếu tại khoản 2 không được áp dụng trong 24 tháng đầu tiên khi một biện pháp tự vệ song phương đang có hiệu lực, với điều kiện biện pháp tự vệ đó phù hợp với các điều khoản của Hiệp định này.
ĐIỀU 3.14
Sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh
Nhằm đảm bảo hiệu quả tối đa cho việc áp dụng các quy tắc phòng vệ thương mại theo Chương này, các cơ quan điều tra của các Bên phải sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh làm cơ sở giao tiếp và các văn bản được trao đổi về các vụ điều tra phòng vệ thương mại giữa các Bên.
Đăng nhập