Các cơ chế & thỏa ước chung thực thi chính sách

Với sự cần thiết trong việc ban hành những quy chế giúp các bên gia tăng khả năng kiểm soát, điều tiết nhằm đảm bảo các mặt hàng lưu thông trên thị trường thương mại đúng chất lượng, chủng loại và hợp quy, các bên trong hiệp định EVFTA đã thỏa thuận, ký kết với nhau các điều khoản trên tinh thần hợp tác, cùng phát triển và bảo vệ tối ưu nhất lợi ích của người dân và doanh nghiệp khi tham gia hiệp định này, cụ thể gốm có các quy định như sau:



CHƯƠNG 6

CÁC BIỆN PHÁP AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ KIỂM DỊCH ĐỘNG THỰC VẬT
ĐIỀU 6.1

Phạm vi

  1. Chương này áp dụng cho việc xây dựng, thông qua và áp dụng tất cả các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật (sau đây gọi là “SPS”) của một Bên mà có thể trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến thương mại giữa các Bên.
  2. Chương này không làm ảnh hưởng tới quyền của các Bên theo Chương 5 (Hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại) đối với các biện pháp không thuộc phạm vi điều chỉnh của Chương này.
ĐIỀU 6.2

Mục tiêu

Mục tiêu của Chương này là:

(a) tăng cường thực thi hiệu quả các nguyên tắc và quy tắc được nêu trong Hiệp định SPS và các tiêu chuẩn, hướng dẫn và khuyến nghị quốc tế được xây dựng bởi các tổ chức quốc tế có liên quan;

(b) bảo vệ cuộc sống hoặc sức khỏe con người, động vật hoặc thực vật trong lãnh thổ của mỗi Bên trong khi tạo thuận lợi cho thương mại giữa các Bên, và bảo đảm rằng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật được thực hiện bởi mỗi Bên không gây ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại;

(c) tăng cường thông tin, hợp tác và giải quyết các vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật có tác động đến thương mại giữa các Bên và các vấn đề về lợi ích chung của các Bên; và

(d) tăng cường tính minh bạch và sự hiểu biết về việc áp dụng các biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật của mỗi Bên.

ĐIỀU 6.3

Định nghĩa

  1. Vì mục tiêu của Chương này:

(a) các định nghĩa được nêu tại Phụ lục A, Hiệp định SPS sẽ được áp dụng;

(b) “các cơ quan có thẩm quyền” nghĩa là các tổ chức của mỗi Bên chịu trách nhiệm xây dựng, thực hiện và quản lý các biện pháp SPS trong lãnh thổ của mình; và

(c) “Ủy ban SPS” có nghĩa là Ủy ban về các Biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật nêu tại Điều 6.11 (Ủy ban an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật) được thành lập theo Điều 17.2 (Các Ủy ban chuyên trách).

  1. Các Bên có thể thống nhất các định nghĩa khác để áp dụng Chương này, có tính đến các chú giải và định nghĩa của các tổ chức quốc tế có liên quan như Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (sau đây gọi là “CODEX”), Tổ chức Thú y Thế giới (sau đây gọi là “OIE”) và Công ước Bảo vệ Thực vật Quốc tế (sau đây gọi là “IPPC”).
ĐIỀU 6.4

Quy định chung

  1. Các Bên khẳng định các quyền và nghĩa vụ hiện tại của mình đối với Bên kia theo Hiệp định SPS.
  2. Mỗi Bên cam kết áp dụng Hiệp định SPS trong quá trình xây dựng, áp dụng hoặc công nhận bất kỳ biện pháp an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật nào nhằm tạo thuận lợi cho thương mại giữa các Bên trong khi bảo vệ cuộc sống hoặc sức khỏe con người, động vật hoặc thực vật trong lãnh thổ của Bên đó.